Chuyên đề Toán lớp 1

CHUYÊN ĐỀ

TỔ CHỨC MỘT SỐ TRÒ CHƠI TOÁN HỌC GIÚP HỌC SINH LỚP 1 HỨNG THÚ HỌC TẬP

  1. Phần mở đầu
  2. Lí do chọn chuyên đề

Download (DOC, 22KB)

Hiện nay đất nước ta đang ở giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế nên đòi hỏi một nguồn nhân lực cao với những lao động sáng tạo trên tất cả các lãnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội,…. Muốn làm được điều này, giáo dục phải tạo điều kiện để học sinh phát huy năng khiếu tiềm ẩn, đồng thời giúp trẻ khơi  nguồn sáng tạo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tiểu học, từ đó tạo nên mặt bằng dân trí cao hơn sau 20 năm đổi mới, hình thành một bộ phận học sinh tiểu học có khả năng học tập và hiểu biết ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trên nền đó sẽ xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài phục vụ thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Con đường để hoàn thành sứ mệnh này là nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới cách dạy và học.

Mục tiêu toán học chương trình tiểu học nói chung và mục tiêu toán học lớp 1 nói riêng. Đặc biệt chú trọng việc hình thành và phát triển các kĩ năng thực hành tính, đo lường, giải toán có lời văn có nhiều ứng dụng thiết thực để góp phần bước đầu phát triển năng lực tư duy, khả năng suy luận hợp lí. Từ đó, hình thành bước đầu phương pháp tự học và làm việc có kế hoạch, khoa học, chủ động, linh hoạt, sáng tạo. Bên cạnh đó, giáo viên phải nắm chuẩn kiến thức và kĩ năng môn Toán, đảm bảo phù hợp tâm lí lứa tuổi và khả năng học tâp của từng học sinh. Đối với học sinh tiểu học, chơi cũng là một nhu cầu không thể thiếu được. Vì vậy việc sử dụng các trò chơi học tập trong giờ học Toán là hết sức cần thiết và bổ ích. Trò chơi học tập là hoạt động được tổ chức có tính chất vui chơi, giải trí nhưng có nội dung gắn với bài học hay hoạt động học tập của học sinh. Trò chơi học tập có tác dụng giúp học sinh: Thay đổi động hình, chống mệt mỏi, tăng cường khả năng thực hành, vận dụng các kiến thức đã học. Phát triển hứng thú, tập thói quen tập trung, tính độc lập, ham hiểu biết và khả năng suy luận. Khi chơi, trẻ tưởng tượng, suy ngẫm, thử nghiệm, lập luận để đạt kết quả mà lại không nghĩ là mình đang học. Sự “ khô khan” của giờ học Toán do đó sẽ được giảm nhẹ, quá trình học tập diễn ra một cách tự nhiên hơn, hấp dẫn hơn.

Muốn cho học sinh Tiểu học học tốt được môn Toán thì mỗi người giáo viên không phải chỉ truyền đạt, giảng giải theo các tài liệu đã có sẵn trong Sách giáo khoa, trong các sách hướng dẫn và thiết kế bài giảng một cách rập khuôn, máy móc làm cho học học tập thụ động. Nếu chỉ dạy như vậy thì việc học tập của học sinh diễn ra thật đơn điệu, tẻ nhạt và kết quả học tập sẽ không cao. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra việc cản trở đào tạo các em thành những con người năng động, tự tin, sáng tạo sẵn sàng thích ứng với những sự việc diễn ra hằng ngày. Chính vì những lí do trên nên tôi đã chọn đề tài : “Tổ chức một số trò chơi Toán học giú phọc sinh lớp 1 hứng thú học tập”.

  1. Đối tượng

          Học sinh lớp 1 trong trường Tiểu học – Trung học Cơ sở Tân Hiệp A 5.

II . Thực trạng tình hình

  1. Thuận lợi

– Đa số các em đều ngoan, có ý thức tự học. Ngay từ đầu năm các em đã làm quen với kí hiệu trên bảng, hiệu lệnh của giáo viên và các em cũng đã quen với hình thức đọc theo cặp, hỏi đáp theo cặp cho nên việc đổi mới phương pháp có nhiều thuận lợi, đã kích thích sự hứng thú học tập, tạo được không khí học tập tự nhiên thoải mái. Từ đó học sinh không nhàm chán trong học môn Toán.
– Đa số phụ huynh quan tâm đến việc học của con em mình.

– Được sự quan tâm của ban lãnh đạo nhà trường. Thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ, hội thảo chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học, nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

  1. Khó khăn:

– Một số học sinh còn ham chơi chưa có ý thức trong học tập.

– Khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh còn nhiều hạn chế, do nhận thức của các em còn chậm.

– Một số phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến việc học của con em mình.

III. Tổ chức một số trò chơi Toán học giúp học sinh lớp 1 hứng thú học tập.     

  1. Trò chơi: “Xếp đúng thứ tự”

* Mục đích: Củng cố về so sánh thứ tự các số trong phạm vi 10 (hoặc trong phạm vi 100)

*Cách chơi: Chơi theo cá nhân.  Mỗi học sinh để sẵn các tấm bìa trên bàn.        Giáo viên ra hiệu lệnh “ Hãy sắp xếp các số theo thứ tự từ bé đến lớn (hoặc từ lớn đến bé)”. Các bạn xếp lại số theo hiệu lệnh của giáo viên. Ai làm xong trước và đúng sẽ thắng cuộc.

0 3 5 6 8

 

Trò chơi này có thể áp dụng trong nhiều bài.

  1. Trò chơi: “Ai nhanh ai đúng”

* Mục đích: Luyện tập và củng cố kỹ năng làm các phép tính cộng trừ  trong phạm vi 10. Luyện phản xạ nhanh ở các em

*Cách chơi : Cả lớp cùng chơi. Giáo viên hỏi, chẳng hạn  2 + 5 = ? (hoặc 8 – 3 =? hoặc “mấy cộng 0 bằng 3 ?” ….) rồi chỉ một bạn bất kì trả lời. Bạn này trả lời xong, lại hỏi (tương tự như trên) rồi chỉ một bạn khác trả lời. Cứ tiếp tục nhưng vậy cho tới khi nào giáo viên ra hiệu lệnh dừng lại. Bạn nào được chỉ định phải trả lời thật nhanh. Bạn nào trả lời sai phải nhảy cò cò.

  1. Trò chơi: “Đối đáp toán học”

* Mục đích: Luyện tập bảng cộng và bảng trừ. HS cần học thuộc lòng  bảng cộng và bảng trừ trong phạm vi đã học.

* Cách chơi: Chia thành từng nhóm hai bạn cùng chơi. Một bạn hỏi, chẳng hạn: “hai cộng  bốn bằng mấy ?”. Bạn kia trả lời : “Bằng sáu” rồi đố lại : “sáu trừ hai?”.  Lưu ý, nếu người đố về phép cộng thì người trả lời phải đố lại bằng phép trừ, ngược với phép tính vừa đố. Bạn nào trả lời nhanh và đúng thì được khen thưởng.  Cả lớp lấy các tấm bìa ghi số, cài vào bảng tạo thành số theo mỗi hiệu lệnh của giáo viên rồi giơ lên. Bạn nào làm sai sẽ bị phạt (nhảy lò cò hoặc hát, múa…)

  1. Trò chơi: “ Thi đếm

* Mục đích: Luyện đếm các số theo thứ tự.

* Cách chơi: Học sinh đứng vòng tròn. Học sinh bắt đầu đếm 1 theo chiều kim đồng hồ, học sinh tiếp theo đếm 2, học sinh tiếp theo đếm 3,…cứ như vậy cho đến hết. Giáo viên có thể bắt đầu ở số nào đó để học sinh có thể đếm theo chiều ngược kim đồng hồ, học sinh đếm theo thứ tự giảm dần cho đến khi có lệnh dừng lại đến số 0 thì lại đổi chiều đếm. Học sinh nào đếm sai phải nhảy lò cò 1 vòng rồi trở về chỗ cũ.

Lưu ý: có thể đổi trò chơi thành cách hai, cách ba.

Ví dụ: Học sinh lần lượt đếm 2,4,6… hoặc 3,6,9.

  1. Kết quả thực hiện

Sau khi áp dụng các giải pháp trên, tôi thấy trò chơi học tập là một loại hình hoạt động vui chơi có nhiều tác dụng trong các giờ học của học sinh tiểu học “học mà chơi, chơi mà học”. Trò chơi học tập tạo ra không khí vui tươi, hồn nhiên, sinh động trong giờ học. Nó còn kích thích được trí tưởng tượng, tò mò, ham hiểu biết ở trẻ. Từ đó khích lệ các em phát triển năng khiếu, năng lực, hạn chế tính ỷ lại,nhút nhát của học sinh. Vì vậy, có thể nói việc tổ chức trò chơi trong các giờ học toán là vô cùng cần thiết. Song không nên quá lạm dụng phương pháp này, ở mỗi giờ học ta chỉ nên tổ chức cho các em chơi từ 1 đến 2 trò chơi trong khoảng từ 3 đến 5 phút. Do vậy người giáo viên cần có kỹ năng tổ chức, hướng dẫn các em thực hiện các trò chơi thật hợp lý và đồng bộ, phát huy được tối đa vai trò của học sinh.

  1. Kết luận

              Thông qua trò chơi, giáo viên rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, thúc đẩy hoạt động trí tuệ, nhờ sử dụng trò chơi học tập mà quá trình dạy học trở thành một hoạt động vui và hấp dẫn hơn, cơ hội học tập đa dạng hơn. Do đó, khi tổ chức trò chơi học tập nói chung và môn toán lớp 1 nói riêng, chúng ta phải dựa vào nội dung bài học, vào điều kiện cơ sở vật chất của trường, thời gian trong từng tiết học mà lựa chọn hoặc thiết kế các trò chơi cho phù hợp. Song để tổ chức được trò chơi toán học có hiệu quả đòi hỏi mỗi người thầy phải có kế hoạch, chuẩn bị thật chu đáo.                                                             

                                                          Tân Hiệp, ngày 10 tháng 10 năm 2019

                                                                                 Người viết

 

 

 

                                                                        Thiều Thị Thanh Thúy